Trẻ bị Viêm họng thì phải điều trị thế nào?
Như các mẹ đã biết, viêm họng là một chứng bệnh về đường hô hấp khá phổ biến gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ, nếu biết và điều trị sớm thì rất nhanh khỏi nhưng ngược lại nếu điều trị không đúng cách sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
1. Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm họng
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng viêm họng ở trẻ nhỏ, do mọc răng, do mắc bệnh tay chân miệng, do nhiễm vi rút vì cảm cúm, cảm lạnh, viêm amidan, do dị ứng với các loại thực phẩm, thực vật hay động vật hoặc đơn giản nhất là do nhiễm khuẩn từ môi trường như khói xe, bụi bẩn, khói thuốc lá…
Thêm nữa điều kiện thời tiết cũng là yếu tố gây nên viêm họng ở trẻ, khi thời tiết khô lạnh, trẻ nhỏ ngủ có xu hướng há miệng sẽ dễ bị viêm họng đau họng.
2. Triệu chứng nhận biết trẻ bị viêm họng cấp
Khi bé đau ở khoang miệng và cổ họng có dấu hiệu bất thường: sưng (tấy) đỏ; có dấu hiệu sốt, chán ăn là dấu hiệu của bệnh.
Có một vài trường hợp khá hiếm khi bé bị nhiễm khuẩn cổ họng tới mức không thể ăn, uống được bất kỳ thứ gì, bé khó thở. Cũng có trường hợp bé đột nhiên sốt cao, không thở được và chảy dãi liên tục.
3. Cách điều trị viêm họng cho trẻ nhỏ
Khi trẻ bị có dấu hiệu viêm họng nhẹ, các bác sĩ có thể không chỉ định điều trị bằng thuốc mà để hệ miễn dịch của bé tự đối phó với vi rút, thường sẽ khỏi bệnh sau một vài ngày đến một tuần.
Bên cạnh đó mẹ có thể áp dụng một số cách trị viêm họng bằng nguyên liệu tự nhiên tại nhà để trẻ mau khỏi. Tuy nhiên vẫn chú ý để cho bé nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mềm và dễ tiêu hóa.
Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu nhiễm khuẩn, bắt buộc phải điều trình đầy đủ theo lộ trình của bác sĩ sau khi được thăm khám tại các bệnh viện hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa.
Tùy vào tình trạng bệnh của bé mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp và lúc này thì bắt buộc phải điều trị với thuốc kháng sinh.
Các mẹ nên tuân thủ đầy đủ lộ trình điều trị của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc giữa chừng vì có thể trị không dứt bệnh, bệnh tái lại và trở nên trầm trọng hơn.
4. Cách trị viêm họng cho bé mà không cần dùng đến kháng sinh
Nguyên tắc điều trị chung khi bé bị viêm họng cấp là mẹ nên giữ ấm cho bé, đặc biệt các bộ phận là cổ, ngực, gan bàn chân.
Khi thời tiết thay đổi cần ủ ấm cho trẻ nhỏ, tăng cường bổ sung các vitamin tăng sức đề kháng. Hạ sốt kịp thời trong trường hợp trẻ bị sốt cao.
Để tránh tình trạng kháng kháng sinh về sau và điều trị không đúng thuốc dẫn tới tình trạng bệnh kéo dài, các mẹ đừng nên cho con dùng kháng sinh bừa bãi, có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
Dùng rau diếp cá
Rau diếp cá là một trong kháng sinh tự nhiên có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm trực tiếp, sát khuẩn dùng để trị ho và viêm họng hiệu quả.
Các mẹ có thể xay lá diếp cá, lọc lấy nước cho bé uống. Vì lá diếp cá rất mát nên có thể xuất hiện tình trạng bé đi ngoài hơi lỏng, đó là điều bình thường.
Dùng tía tô
Lá tía tô có tính ấm, vị cay, không độc, trị viêm họng cho trẻ rất tốt. Cho trẻ ăn tía tô với cháo, vừa là thức ăn mềm dễ nuốt, vừa giúp trị viêm họng rất tốt.
Dùng tỏi, mật ong
Kết hợp hai thành phần tự nhiên có tính sát khuẩn cao này sẽ giúp cho tình trạng bệnh của bé mau khỏi.
Giã nát hai tép tỏi, trộn với hai thìa cà phê mật ong, sau đó đem hấp cách thủy, lưu ý không hấp quá chín tỏi, vẫn giữ mùi hăng của tỏi là được.
Cho bé uống nước lọc trước, sau đó dùng nửa muỗng cà phê hỗn hợp trên 1-2 lần một ngày.
Dùng cải cúc
Lá cải cúc rửa sạch, thái nhỏ, trộn với một ít mật ong sau đó đem hấp cách thủy trong vòng 20 phút, cho đến khi ra nước. Cho bé uống nước này từ 3-5 ngày bệnh tình sẽ thuyên giảm.
Dùng lá húng chanh
Thành phần tinh dầu trong lá húng chứa nhiều cavaron có tác dụng trừ đờm, tiêu độc rất tốt nên có thể được dùng làm thuốc chữa ho, trị viêm họng cho bé.
Các bài thuốc dân gian trên đều rất dễ thực hiện, tuy nhiên chỉ có tác dụng mạnh khi bệnh mới phát. Đối với trường hợp bé bị viêm họng dài ngày, ho nhiều thì nên đi khám bệnh ngay để được điều trị đúng thuốc.
5. Cách xử lý viêm họng ở trẻ sơ sinh
Khi trẻ có dấu hiệu viêm họng thường quấy khóc, chán ăn, sốt cao, chảy dãi, mẹ cần lau mát hạ sốt cho con, cho con bú thêm nhiều sữa, uống thêm nước bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C cho con.
Đối với trẻ từ 3-6 tháng tuổi, nếu bé sốt trên 38,5 độ C là nghiêm trọng, cần đưa đi bệnh viện ngay
Nếu bé trên 6 tháng tuổi sốt trên 39 thì cần nhanh chóng hạ sốt an toàn cho con và đưa bé đi khám ngay.
Nếu bé có những biểu hiện khác của bệnh như sưng tấy khoang miệng, thở khó khăn… hay bất kì triệu chứng bất thường nào khác thì mẹ cần đưa bé đi khám ngay để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Các mẹ lưu ý đừng tự dùng thuốc kháng sinh thiếu chỉ định của bác sĩ nhé, rất nguy hiểm cho con đấy.
Do viêm họng khiến họng đau và sưng nên mẹ cần cho bé bú nhiều sữa hơn, nếu bé vì đau quá mà bú ít, khó chịu thì mẹ có thể giảm lượng sữa mỗi lần bú lại và tăng số cữ bú.
Còn đối với các trẻ đã ăn dặm thì các mẹ đổi thực đơn cho bé với các món nghiền nhỏ hơn, nước nhiều hơn, mềm hơn bình thường hoặc cháo loãng hơn để bé dễ nuốt và dễ tiêu hóa hơn.
Viêm họng thường kéo dài vài ngày cho đến một tuần, tùy theo cơ địa và sức đề kháng của mỗi bé.
Cách tốt nhất vẫn là mẹ phải chăm sóc trẻ sơ sinh kỹ hơn và đảm bảo cho bé một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngăn ngừa và hạ sốt an toàn cho con, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ đa dạng, dễ ăn và dễ hấp thu. Nếu tình trạng bệnh kéo dài hơn và không thuyên giảm thì cần đưa trẻ đi khám ngay.
Leave a Reply